Tìm kiếm tin tức
Lịch sử phát triển, Điều kiện tự nhiên huyện Phú Vang
Ngày cập nhật 11/11/2016
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
     Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất thuộc châu Lý của Chiêm Thành. Sau khi được sáp nhập vào Đại ViệtNhà Trần đã đổi tên châu Lý thành Hóa Châu. Thời Lê, đặt thành huyện Tư Vinh thuộc phủ Triệu Phong. Đầu thời Nguyễn đổi tên là huyện Phú Vinh, nhưng thường đọc trại thành Phú Vang thành tên gọi như ngày nay.
     Sau năm 1975, huyện Phú Vang có 20 xã: Phú An, Phú Đa, Phú Diên, Phú Dương, Phú Hải, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mậu, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thanh, Phú Thuận, Phú Thượng, Phú Xuân, Vinh An, Vinh Hà, Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Thanh, Vinh Xuân.
     Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện được sáp nhập với huyện Hương Thủy thành huyện Hương Phú.
     Ngày 11 tháng 9 năm 1981, các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân được sáp nhập vào thành phố Huế.
     Ngày 30 tháng 9 năm 1990, huyện lại được tách thành huyện Phú Vang như hiện nay; đồng thời chuyển 6 xã: Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Thuận An của thành phố Huế về huyện Phú Vang quản lý.
     Ngày 20 tháng 8 năm 1999, hai xã Thuận An và Phú Tân hợp nhất thành thị trấn Thuận An, tuy nhiên Thuận An không phải thị trấn huyện lỵ huyện Phú Vang, các cơ quan hành chính của huyện đóng tại xã Phú Đa.
     Ngày 30 tháng 5 năm 2011, chuyển xã Phú Đa thành thị trấn Phú Đa, thị trấn huyện lỵ huyện Phú Vang.
     Ngày 17 tháng 12 năm 2019, sáp nhập xã Vinh Phú và xã Vinh Thái thành xã Phú Gia.
     Ngày 01 tháng 7 năm 2021, sáp nhập xã 05 xã, 01 thị trấn lên thành Phố Huế: Thuận An, Phú Dương, Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Thượng
      Đến nay Huyện Phú Vang có 01 thị trấn và 13 xã như hiện nay. 

  ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

     Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Bắc giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Hương Trà và thành phố Huế, phía Nam giáp huyện Hương Thủy, phía Đông giáp huyện Phú Lộc.

    Phú Vang có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Có bờ biển dài và nhiều đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồng, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích trên 6.800 ha mặt nước, là tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.  Huyện có cảng biển Thuận An là vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tiềm năng lớn về kinh tế đang được khai thác và sử dụng.

    Khí hậu: Phú Vang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng, ẩm của vùng ven biển, có hai mùa mưa, nắng rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 8 năm trước đến tháng giêng năm sau, lượng mưa hàng năm khá lớn, trung bình khoảng 3.000mm. Mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 9,10,11 và 12 chiếm 75-80% lượng mưa cả năm, gây úng lụt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản, cũng như đời sống của nhân dân.

    Mùa nắng gió Tây-Nam khô nóng oi bức, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, lượng bốc hơi cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 (lúc nước thủy triều thấp) làm độ mặn trong các ao hồ nuôi thủy sản tăng, gây trở ngại cho ngành nuôi trồng thủy sản.

    Địa hình, đất đai: Phú Vang thuộc vùng đất trũng, có diện tích đầm phá lớn, đất đai bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, doi cát không thuận lợi cho phát triển hệ thống đường bộ và đường thủy. 

    Đất đai của huyện Phú Vang chủ yếu là đất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản. Tiềm năng đất chưa khai thác còn lớn, chiếm 42,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ đất chưa sử dụng có thể chuyển sang gieo trồng không lớn, chủ yếu là các cồn cát, đất bãi cát. Đất mặt nước chưa sử dụng chủ yếu là đất ao hồ, đầm phá.

    Khoáng sản: Phú Vang là nơi có nhiều khoáng sản Ti tan, tập trung ở các xã Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh và Vinh An, có chất lượng tốt với quy mô khá lớn đang được khai thác.

Văn hoá Phú Vang

     1. Liễn làng chuồn
- Địa điểm: Chuồn là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang
- Hình thành: Chuồn là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người học cao đỗ đạt làm quan to trong triều. Tính hiếu học đã ảnh hưởng đến nghề làm liễn: Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, và phát huy một lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Ở đây rất nhiều gia đình biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ dăm trăm đến vài nghìn bộ. Cho đến nay, liễn Chuồn vẫn phát triển và cần khuyến khích.
- Đặc điểm: Giấy in liễn là loại giấy để in báo, mua về phải nhuộm các màu đỏ, vàng hoặc xanh. Còn màu là các phẩm bột mua ở chợ về hòa với hồ cho dính, cũng có dùng bột điệp nhưng không để nguyên màu trắng ánh mà pha thêm màu xanh dương theo tỷ lệ 10 điệp + 1 dương để có màu sáng dịu.
Do có hai đoạn liễn với kích thước khác nhau nên có hai lối in ngửa hay úp ván. Liễn bông (hoa) mỗi bộ gồm có bốn con (bức) toàn cảnh họa tiết dài như bộ tranh tứ quý. Liễn chữ gồm một đại tự và câu đối. Đại tự là chữ to cần ván lớn.
Liễn được treo trên tường hay trên cột, chạy dọc như theo câu đối hay theo tranh tứ quý. Riêng đại tự có thể treo riêng hoặc giữa hai liễn câu đối như bức hoành cầu phúc. Đấy là lối chơi đẹp.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.939.396
Truy cập hiện tại 394