Tìm kiếm tin tức

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010
Ngày cập nhật 09/04/2011
Ảnh minh họa

Ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định công tác CCHC là khâu đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm dân chủ và phòng chống tham nhũng, vì vậy công tác CCHC đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng và chỉ đạo quyết liệt. Qua 10 năm thực hiện, cải cách hành chính ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu và đã đạt được một số kết quả nhất định.

      Về cải cách thể chế

Các cấp, các ngành đã tích cực đổi mới công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và thực hiện rà soát các văn bản đã ban hành. Công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy trình. Chất lượng VBQPPL đã được nâng lên, đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trước thời điểm triển khai Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2007-2010 theo Quyết định số 30 ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã triển khai kế hoạch rà soát, thống kê 544 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Trong đó có: 145 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; 350 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh và 49 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.

Năm 2008, tiến hành rà soát và ban hành 30 quyết định về qui định việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa ở 21/21 đơn vị cấp tỉnh và 9/9  đơn vị cấp huyện với 956 danh mục TTHC. Các quyết định được ban hành hầu hết đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 5 đến 10 ngày ở các lĩnh vực xây dựng, đất đai, chính sách - xã hội; từ 10 đến 20 ngày ở các lĩnh vực thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Triển khai Đề án 30, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh. Tổ chức rà soát và kịp thời ban hành quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 1.815 TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó: đề nghị giữ nguyên 429 TTHC; kiến nghị bổ sung, sửa đổi, thay thế 1.132 TTHC; kiến nghị hủy bỏ, bãi bỏ 254 TTHC; đạt tỷ lệ 76,3% TTHC được sửa đổi, bổ sung. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các website của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và niêm yết công khai tại trụ sở các cơ quan hành chính trên địa bàn.

Thực hiện cơ chế một cửa, tỉnh đã triển khai trước gần 1 năm tại các các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện so với yêu cầu của Quyết định 181 là bắt đầu từ 1/1/2004. Tại UBND cấp xã, năm 2001, 2002 đã triển khai ở 25 xã, phường thuộc thành phố Huế; các xã còn lại triển khai năm 2004 và đầu năm 2005.

Cơ chế một cửa cũng được triển khai tại một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Cục Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước. Qui trình một cửa cũng đã được áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên giao dịch với công dân, tổ chức.

Đến nay, toàn tỉnh có 182 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cơ chế một cửa gồm: 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 9/9 UBND huyện, thị xã, thành phố và 152/152 UBND xã, phường, thị trấn.

Năm 2007, triển khai áp dụng thí điểm cơ chế một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thủ tục khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và cấp mã số thuế.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính

Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước từng bước được kiện toàn, củng cố. Hoạt động của HĐND, UBND các cấp từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, ngày càng có hiệu lực. Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước đã được sắp xếp phù hợp hơn, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính địa phương đã dần được sửa đổi, bổ sung và qui định rõ hơn, đã có sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước với quản lý hoạt động dịch vụ công và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đã tiến hành 3 đợt sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện và thành phố vào các năm 2000, 2005, 2008. Qua các lần sắp xếp, hiện nay ở tỉnh có 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh; ở cấp huyện có 12 phòng chuyên môn (so với năm 2000, giảm 7 sở ở cấp tỉnh và 3 phòng ở cấp huyện).

Song song với việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện và thành phố, đã đẩy nhanh việc chỉ đạo phân cấp các lĩnh vực về quản lý Nhà nước cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở phân cấp, đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh: Sắp xếp, giải thể một số tổ chức không còn phù hợp; Thành lập mới các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; Kiện toàn, củng cố tổ chức các đơn vị sự nghiệp, thành lập các đơn vị trực thuộc sở, ngành.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Chính sách đối với cán bộ được vận dụng đúng đắn, đã thực hiện có nề nếp hơn cơ chế bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo. Từ 2001 đến nay, đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 239 lượt giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương, 138 lượt cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc các sở. Thực hiện luân chuyển 36 lượt giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương, 210 lượt trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc sở và tương đương, 111 lượt trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện.

Những năm qua, đã có 16.948 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức QLNN, lý luận chính trị, tin học và ngoại ngữ. Đã cử 15 cán bộ lãnh đạo đi học ngoại ngữ 6 tháng ở Singapore, 46 công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Từ năm 2003 đến nay, hằng năm, tỉnh đều mở các lớp đào tạo tiếng Cơ Tu, Pa Cô cho cán bộ ở các cơ quan tỉnh và 02 huyện Nam Đông, A Lưới. Song song với công tác đào tạo là việc tích cực tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, trình độ và kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn nhằm từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức...

Về cải cách tài chính công

Thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130 năm 2005 của Chính phủ cho 197/244 cơ quan hành chính Nhà nước, đạt tỷ lệ 80,7% (trong đó cấp tỉnh có 50 cơ quan, đơn vị thực hiện đạt tỷ lệ 92,5%, cấp huyện có 147 cơ quan, đơn vị thực hiện đạt tỷ lệ 77,4%). Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, tài chính theo Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ cho 477/567 đơn vị sự nghiệp, đạt tỷ lệ 84,1% (trong đó cấp tỉnh có 158 đơn vị sự nghiệp thực hiện, đạt tỷ lệ 98,1%, cấp huyện có 319 đơn vị sự nghiệp thực hiện, đạt tỷ lệ 78,6%).

Khi được giao quyền tự chủ, các cơ quan, đơn vị đã chủ động trong sử dụng biên chế, tổ chức sắp xếp cơ cấu lại bộ máy đảm bảo hiệu quả công việc và tiết kiệm lao động. Ngoài việc thực hiện chỉ tiêu biên chế được giao, nhiều đơn vị đã chủ động hợp đồng lao động theo tính chất công việc có thời hạn hoặc không xác định thời hạn... (kinh phí hoạt động do đơn vị tự đảm bảo).

Việc phân cấp quản lý ngân sách, công khai các nguồn thu, khoản chi, tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn, tài sản đã góp phần hạn chế các vi phạm về chế độ quản lý tài chính, sử dụng có hiệu quả hơn ngân sách và tài sản Nhà nước.

Về hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước

Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động ở các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. Hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều có máy vi tính được kết nối mạng LAN và Internet băng thông rộng. Các phần mềm chuyên môn ngày càng được sử dụng nhiều và trở thành xu hướng ứng dụng rộng rãi trong tất cả các cơ quan. Đang dần dần hình thành thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu điện tử trong môi trường nối mạng và hệ thống thông tin...

Theo www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.939.396
Truy cập hiện tại 197