Tìm kiếm tin tức

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI NĂM 2019 HUYỆN PHÚ VANG
Ngày cập nhật 16/01/2020

Thực hiện Công văn số 2655/UBND-ĐC ngày 13/05/2016 của UBND tỉnh về việc chế độ báo cáo, đánh giá hoạt động quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Phú Vang báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất đai năm 2019 như sau:

A. KHÁI QUÁT CHUNG

I. Đặc điểm về vị trí địa lý, diện tích đất đai, dân số, số đơn vị hành chính các cấp.

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Bắc giáp thị xã Hương Trà, phía Tây giáp thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, phía Nam giáp huyện Phú Lộc, phía Đông giáp biển Đông.

Toàn huyện có 18 xã và 2 thị trấn, trong đó có 13 xã, thị trấn ven biển, đầm phá và 7 xã trọng điểm nông nghiệp. Diện tích tự nhiên 27.824,48 ha, trong đó đất nông nghiệp 13.397,34 ha, đất phi nông nghiệp 13.702,36 ha, đất chưa sử dụng 724,78 ha. Dân số 182.336 dân, trong đó có 85.830 lao động, mật độ dân số bình quân 651 người/km2.

Phú Vang có địa hình phức tạp, thuộc vùng đất trũng, có diện tích đầm phá lớn, đất đai bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, đồi cát không thuận lợi cho phát triển hệ thống đường bộ và đường thủy. Đất đai của huyện Phú Vang chủ yếu là đất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản.

2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của địa phương năm 2019

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, UBND huyện Phú Vang đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và đạt được một số kết quả như: Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện ổn định; các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ… duy trì được mức tăng trưởng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

B. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI NĂM 2019

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI NĂM 2019

1.1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai

a) Kết quả thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai

UBND huyện đã cử cán bộ công chức chuyên môn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do UBND tỉnh và các sở ban ngành tổ chức; đồng thời cũng tổ chức một số buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện.

b) Đánh giá tình hình thực hiện

* Ưu điểm:

 - Các Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 được ban hành kịp thời và đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho UBND huyện tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.

 - Nội dung tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, kịp thời, đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên môn và nhân dân trên địa bàn huyện.

* Tồn tại:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sự đi vào chiều sâu.

- Trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật đất đai của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế nên việc triển khai thi hành Luật Đất đai còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất.

1.2. Về lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

a) Kết quả thực hiện

- Lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Phú Vang đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1386 /QĐ-UBND ngày 08/6/2019.

- Hoàn thành công tác lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 110/QĐ-UBND ngày 15/01/2019.

- Trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung các công trình, dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Phú Vang tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 23/4/2019, Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 27/5/2019, 1881/QĐ-UBND ngày 05/8/2019,Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 17/8/2019, Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 25/10/2019, Quyết định số 3012 /QĐ-UBND ngày 28/11/2019.

- Hoàn thành lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

b) Đánh giá tình hình thực hiện

- Đã chấp hành đúng quy định trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như thông qua tiến độ, quy trình thực hiện; việc lấy ý kiến nhân dân; việc thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Công tác lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 mang tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và mang tính khả thi cao.

- UBND huyện đã tổ chức công khai Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng và các Quyết định phê duyệt bổ sung theo đúng quy định của Luật đất đai 2013.

1.3. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

a) Kết quả thực hiện

- Giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân:

+ Giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá: 07 trường hợp[1] với tổng diện tích 0,10 ha.

+ Giao đất có thu tiền sử dụng thông qua hình thức đấu giá: 370 trường hợp với tổng diện tích 6,8 ha.

          + Chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân: 99 trường hợp[2] với diện tích 1,65 ha.

b) Đánh giá tình hình thực hiện

Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện dựa trên các quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 

1.4. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

a) Kết quả thực hiện

          Thực hiện Quyết định 110/QĐ-UBND ngày 15/01/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện Phú Vang và các Quyết định phê duyệt bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2019, UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện các công trình dự án như: Đường Phú Mỹ - Thuận An; Khu vui chơi thị trấn Phú Đa; Đường chợ Mai - Tân Mỹ; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Ngọc Anh (giai đoạn 2); Đường Chợ Mai - Tân Mỹ; Đường Thôn Vinh Vệ từ Tỉnh lộ 10A đến sông Như Ý; Khu quy hoạch thôn Phước Linh; Khu quy hoạch thôn Vinh Vệ 1; Khu quy hoạch thôn Vinh Vệ 2; Khu tái định cư Phú Mỹ 1 - Đợt 2 thuộc dự án đường Phú Mỹ - Thuận An tại Khu C - đô thị mới An Vân Dương, Mở rộng sông Như Ý đoạn qua khu vực Cầu ngói Thanh Toàn... (Chi tiết theo bảng 10 phụ lục đính kèm)

b) Đánh giá tình hình thực hiện

Việc thu hồi đất thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; thường xuyên bám cơ sở để giải thích, vận động, tháo gở những vướng mắc, kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại của nhân dân nên đến nay vẫn chưa có khó khăn, khúc mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

1.5. Việc đo đạc, đăng ký đất đai, lập và quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

a) Kết quả thực hiện

Tình hình thực hiện và kết quả đạt được của việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập và quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sử dữ liệu địa chính. Trong đó:

- Kết quả đo đạc địa chính trên địa bàn huyện gồm có 18 xã, 02 thị trấn, tổng diện tích tự nhiên 27.824,48 ha, có khoảng 140.468 thửa đất đã được đo đạc lập bản đồ địa chính theo từng hệ tọa độ VN 2000; trong đó tỷ lệ 1/1000 là 4.634,81 ha chiếm tỷ lệ 16,65%, tỷ lệ 1/2000 là 23.189,66 ha chiếm tỷ lệ 83,35%.

- Kết quả đăng ký, cấp GCN từ trước đến nay đã cấp được 77.974 thửa với  diện tích 10.181,18 ha, đạt tỷ lệ 99,33 % các loại đất trên địa bàn huyện. Trong đó: Đất ở 37.812 thửa với tổng diện tích 2.876,5 ha; Đất sản xuất nông nghiệp 37.322 thửa với tổng diện tích 6.288,48 ha; Đất nuôi trồng thủy sản 1.066 thửa với tổng diện tích 648,4 ha; Đất lâm nghiệp 08 thửa với tổng diện tích 90.26 ha, đất tín ngưỡng 1766 thửa với tổng diện tích 155,28 ha; đất tôn giáo 108 thửa với tổng diện tích 25,1 ha.

- Kết quả lập sổ địa chính: Hiện nay, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã lập sổ địa chính điện tử và cập nhật vào sổ địa chính dạng giấy từ trước đến nay đã đăng ký vào sổ và biến động là 76.719 thửa.

- Kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn huyện cần phải kê khai, đăng ký, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính 140.468 thửa trong đó có 130.230 thửa đã kê khai đạt tỷ lệ 92,71%.

b) Đánh giá tình hình thực hiện

* Ưu điểm:

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 đã được ban hành một cách đồng bộ, kịp thời đặc biệt là Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã quy định rõ ràng, chi tiết tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thực thi công vụ cũng như người kê khai đăng ký.

* Tồn tại:

          - Hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của phòng Tài nguyên và Môi Trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và UBND các xã, thị trấn như: Máy in, máy Scan, máy vi tính... chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để cập nhật, vận hành, khai thác và quản lý dữ liệu địa chính của huyện cũng như trên địa bàn tỉnh.

1.6. Về tài chính đất đai và giá đất

a) Kết quả thực hiện

Kết quả thực hiện trong năm 2019 trên địa bàn huyện đã thực hiện việc đấu giá đất, định giá đất cụ thể như sau:

- Kết quả thực hiện đấu giá đất: 370 lô với số tiền sử dụng đất thu được là  248.827.133.800 đồng, vượt 148,8 % so với kế hoạch của UBND tỉnh và vượt 65,8 % so với kế hoạch HĐND huyện giao.

b) Đánh giá tình hình thực hiện

- Các chính sách tài chính đất đai mới không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

- Việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường trong công tác giải phóng mặt bằng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp giá đền bù về đất của Nhà nước đối với người dân cũng như nghĩa vụ của người dân đối với Nhà nước.

 

 

1.7. Thanh, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai

a) Kết quả thực hiện

- Thanh tra, kiểm tra:

+ Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND xã về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại xã Phú Diên. Theo Kết luận số 04/KL-TTr ngày 02/10/2019, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát đưa vào quản lý 12,4302 ha đất công ích theo đúng quy định. Đồng thời điểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan.

+ Đã chỉ đạo các Phòng ban tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức sử dụng đất, hộ gia đình cá nhân sử dụng đất trong thời gian đến.

- Việc chấp hành các cuộc thanh tra, kiểm tra: UBND huyện Phú Vang đã hoàn thành việc báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Vang từ năm 2014 – 2018 theo Công văn số 1543/UBND-KN1 ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chuẩn bị các nội dung để làm việc với Tổ công tác Thanh tra Chính phủ.

- Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra:

+ Đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện và UBND các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Phú Dương tổ chức triển khai thực hiện theo nội dung Công văn số 9210/UBND-ĐC ngày 28/11/2018 của UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, rà soát quá trình quản lý, sử dụng đất tại xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên và Phú Dương, huyện Phú Vang.

+ Đã xây dựng kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 82/KL-STNMT ngày 01/8/2018 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường với nội dung yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các Phòng, ban có liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế theo Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Kết luận số 76/KL-TTr ngày 25/01/2013 của Thanh tra tỉnh, tính đến nay UBND huyện đã tổ chức thực hiện quyết định truy thu chênh lệch tiền sử dụng đất đối với 98 trường hợp/189 trường hợp, đạt tỷ lệ 51.85 % với tổng số tiền truy thu được là 4.931.188.300 đồng/10.522.666.000 đồng phải thu, đạt tỷ lệ 46,86 %).

- Kết quả công khai các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai:

Quá trình thanh, kiểm tra các vi phạm pháp luật về đất đai sau khi kết thúc đợt thanh, kiểm tra, đã có kết quả cụ thể đều sẽ được công bố công khai theo quy định của pháp luật.

- Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, phản ánh, kiến nghị về đất đai:

+ Tổng số đơn tiếp nhận: 38 đơn (24 đơn kiến nghị, phản ánh; 02 đơn khiếu nại; 01 đơn tố cáo; 12 đơn tranh chấp), trong đó: 06 đơn thuộc thẩm quyền (01 đơn tố cáo; 03 đơn kiến nghị, phản ánh, 01 đơn khiếu nại, 01 đơn tranh chấp) và 32 đơn không thuộc thẩm quyền (20 đơn kiến nghị, phản ánh; 01 đơn khiếu nại và 11 đơn tranh chấp).

+ Đối với các đơn thuộc thẩm quyền[3]:  Đã tiến hành kiểm tra, xác minh và ban hành các văn bản hướng dẫn trả lời, giải quyết đơn tranh chấp, phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng thời gian quy định.

+ Đối với các đơn không thuộc thẩm quyền[4]: Đã hướng dẫn chuyển các đơn kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

          b) Đánh giá tình hình thực hiện

* Ưu điểm:

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, phản ánh, kiến nghị liên quan đến đất đai, đã được tổ chức thực hiện kịp thời, theo đúng trình tự quy định pháp luật nên công tác quản lý nhà nước về đất đai trong năm 2019 đã đạt được một số kết quả nhất định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, tháo gở mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ vững kỷ cương, ổn định an ninh trên địa bàn, tăng cường pháp chế, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

- Thông qua các buổi tiếp dân, các kênh thông tin đại chúng như truyền thanh, truyền hình ... Luật Khiếu nại 2011; Luật đất đai năm 2013 được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đã giúp người dân hiểu biết, nhận thức được quyền, lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất của mình.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Việc tiếp nhận xử lý đơn thư và công tác tổ chức hoà giải ở cấp cơ sở, địa phương là một những bước quan trọng, có tính quyết định hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan, ban ngành không thuộc thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên trong thực tế, các thành viên trong Hội đồng hoà giải của các xã, thị trấn chưa thực sự phát huy được vị trí, vai trò trung gian hoà giải của mình.

 

 

 

 

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT

2.1. Tình hình chấp hành pháp luật đất đai của người sử dụng đất

Nhìn chung các đối tượng sử dụng đất trên địa bàn huyện đều chấp hành và tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai. Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định, cụ thể:

- Tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện.

- Các đối tượng được giao đất theo Nghị định 64/CP đã hết thời hạn sử dụng đất nhưng không thực hiện việc kê khai, gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai năm 2013.

- Do nhận thức và hiểu biết về pháp luật Đất đai của một số bộ phận trong nhân dân còn hạn chế, nên tình trạng khiếu nại đòi lại đất, tranh chấp đất đai vẫn còn tồn tại và tiếp diễn.

2.2. Hiệu quả sử dụng đất

Phần lớn các tổ chức, hộ gia đình cá nhân được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đều đưa vào sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

III. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

3.1. Hiệu quả và tác động của việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế

- Quy định về thời hạn sử dụng đất Nông nghiệp 50 năm, đã làm cho người sử dụng đất yên tâm để đầu tư thâm canh vào đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập.

- Mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (các đối tượng sử dụng đất từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014) đã góp phần đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp và tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện về tiền sử dụng đất.

- Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất đã hạn chế tình trạng khiếu nại về đơn giá đất bồi thường thấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đã thu hút được các dự án đầu tư.

3.2. Hiệu quả và tác động của việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai đến đời sống xã hội

- Việc thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị như xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông, thủy lợi, trường học, các nhà văn hóa, các khu quy hoạch phân lô đất ở,... tại các xã thị trấn đã góp phần tác động tích cực đến đời sống xã hội trên địa bàn huyện.

- Các thủ tục hành chính được rút gọn, đơn giản hơn, nâng cao hiệu quả giải quyết công vụ, tạo niềm tin cho công dân đến giao dịch.

3.3. Hiệu quả và tác động của việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai đến môi trường

- Việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị, nông thôn để xây dựng các công trình, dự án như:  Các điểm trung chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, hệ thống kênh mương,… góp phần bảo vệ khắc phục được tình ô nhiễm môi trường.

- Việc đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, kịp thời góp phần hạn chế sự phát triển cây Mai Dương, tình trạng đất để hoang hóa, bạc màu.

- Việc giao đất mặt nước đầm phá cho Chi Hội Nghề cá quản lý, sử dụng đã hạn chế tình trạng đánh bắt, khai thác hủy diệt môi sinh, môi trường và bảo vệ hệ sinh thái khu vực đầm phá.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ

4.1. Nhiệm vụ cần thực hiện để khắc phục hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất

- Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến chính sách pháp luật về đất đai trong đó nội dung tuyên truyền cần đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm để đạt được hiệu quả cao.

- Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được chú trọng và tiến hành thường xuyên.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho việc lập và tổ chức thực hiện đầy đủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của huyện, tỉnh và đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai vào nề nếp theo đúng quy định của pháp luật.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt coi trọng dự báo chính xác và nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực; tính toán khoa học, sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cân nhắc hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, phát huy cao nhất tiềm năng đất đai.

- Lập các kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát đối với các xã, thị trấn về công tác quản lý đất đai đặc biệt là đất công ích, đất mặt nước hạ triều đầm phá, kiểm tra trách nhiệm trong xử lý vi phạm về đất đai, có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm việc lấn, chiếm đất xây dựng nhà ở và công trình trái phép; tập trung chỉ đạo khắc phục những nội dung quản lý nhà nước còn tồn tại hạn chế và những vi phạm đã phát hiện trong các cuộc thanh kiểm tra...

4.2. Các giải pháp thực hiện để tăng cường quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hạn chế, phòng ngừa vi phạm

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người sử dụng đất thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật về đất đai.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

- UBND các xã, thị trấn cần chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong công tác quản lý đất đai nhất là xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời phải làm rõ trách nhiệm đối với các địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai, đặc biệt là lấn chiếm đất và sử dụng đất sai mục đích.

- Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng về đất đai trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi đất để giải phóng mặt bằng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chủ động công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sử dụng đất trái pháp luật và các hành vi tiêu cực liên quan đến đất đai.

- Tiến hành rà soát việc lập, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính để đảm bảo mọi trường hợp cấp giấy chứng nhận phải được cập nhật theo quy định; đồng thời kiểm tra, soát xét các hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã giải quyết trong thời gian qua để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sai sót, trùng lặp, không đúng quy định. Tập trung nguồn lực để thực hiện đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và tiến đến xây dựng cơ sở đất đai đồng bộ, thống nhất. Cấp mới những thửa đất chưa được cấp và cấp đổi những thửa đất trước đây đã cấp nhưng không đồng bộ theo hồ sơ địa chính.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường.

 


[1] Vinh Thanh: 01 trường hợp; Phú Dương: 03 trường hợp; Phú Thượng: 01 trường hợp; Phú Hải: 01 trường hợp; Vinh Phú: 01 trường hợp.

[2] Phú An: 04 trường hợp; Phú Đa: 16 trường hợp; Phú Dương: 03 trường hợp; Phú Lương: 04 trường hợp; Phú Mậu: 09 trường hợp; Phú Mỹ: 04 trường hợp; Phú Thượng: 26 trường hợp; Phú Xuân: 02 trường hợp; Thuận An: 03 trường hợp; Vinh Phú: 04 trường hợp; Vinh Thanh: 17 trường hợp; Phú Hồ: 04 trường hợp; Phú Thanh: 01 trường hợp; Vinh Thái: 02 trường hợp.

[3] Đơn thuộc thẩm quyền: Trần Đức Võ – Phú Mỹ; Hoàng Trọng Đệ – Phú Đa; Nguyễn Thị Gái – Phú Đa; Nguyễn Văn Minh – Phú Diên; Nguyễn Thị Kiêm –Thuận An; Nguyễn Thị Ngò – Vinh Hà.

[4] Đơn không thuộc thẩm quyền: Phạm Thị Minh Khuê – Phú Thượng; Nguyễn Thống – Thuận An; Nguyễn Lanh – Phú Dương; Đỗ Xuân Quý – Thuận An; Phan Hữu Châu – Phú Đa; Hồ Khắc Châu – Phú Thượng; Lê Văn Dục – Thuận An; Hồ Ý – Vinh Phú; Nguyễn Thị Lài – Phú Mậu; Đoàn Thanh Sơn – Vinh An; Nguyễn Văn Thành – Thuận An; Lê Thị Bảy – Phú Đa; Phan Thị Lùn – Phú Xuân; Huỳnh Văn Già – Phú Dương; Phan Viết Bình – Phú Xuân; Kỳ Hợp – Phú Mậu; Nguyễn Minh- Phú Thượng; Lê Khắc Tám – Phú Đa; Phan Trung Hiếu – Phú Thượng; Trần Thị Tráng- Thuận An; Trương Thị Bảy- Phú Đa; Đỗ Xuân Thanh- Phú Lương; Đặng Thị Phàng – Phú Xuân; Hà Văn Phước- Phú Mỹ; Nguyễn Ninh- Vinh An; Trần Thanh Đăng- Vinh Thanh; Huỳnh Văn Manh- Vinh Thanh; Hoàng Thị Bạch Yến – Phú Mỹ; Nguyễn Công Khuê – Vinh Thanh; Đỗ Đình Hòa – Vinh Thanh; Hoàng Văn Cự - Vinh Thái; Lê Thị Màng – Phú Đa.


 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.939.396
Truy cập hiện tại 287